28/09/2016

Người đàn ông 37 năm làm nghề 'chữa bệnh' cho sách cũ

(Vnexpress.vn) – Từ năm 1978 đến nay, ông Võ Văn Rạng trung thành với nghề đóng sách. Những quyển sách cũ, mới qua tay ông đều được khoác vẻ ngoài tươm tất với sự nâng niu, trân quý.

Trong căn nhà nhỏ cuối con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM, người ta thường bắt gặp cảnh vài người đứng, ngồi tay ôm những cuốn sách dày cộp, có cuốn giấy in ngả sang màu úa vàng. Họ đang chờ được "chữa bệnh" cho các cuốn sách đã bị long, sờn. Người làm công việc này chính là ông Võ Văn Rạng.

Trên các diễn đàn dành cho người yêu sách cổ, ông Rạng được nhiều người biết đến như là "bác sĩ" của sách. Hiện nay, tìm khắp Sài Gòn, người biết cách tháo sách, đóng theo kiểu cũ để phục hồi nguyên trạng gần như chỉ còn ông Rạng. Ông có thể phục chế hầu như mới nguyên cuốn sách. Dù cũng có những bộ sách ông không cách nào xóa hết vết ố vàng, vết thâm ngã màu thời gian, sự khéo léo từ đôi tay của ông luôn giữ được cái hồn của sách nguyên bản.

Người thợ già tỉ mẩn vuốt đi vuốt lại mép dán trên gáy sách. Ảnh: Thanh Viên.

Ông Võ Văn Rạng vốn bị dị tật ở chân do sốt bại liệt lúc nhỏ và chọn nghề đóng sách cũ để mưu sinh từ năm 1978 đến nay. Căn nhà nhỏ của ông cũng chính là nơi làm nghề. Đây là không gian của những giá sách chất đầy các ngóc ngách. Chiếc bàn làm việc của ông được kê ngay cửa, gần đó là một chiếc máy cắt giấy "cổ lổ sĩ".

Hầu hết các công đoạn đóng sách đều được ông Rạng thực hiện thủ công.

Ông có thể đóng gáy theo kiểu của người Hoa, nghĩa là ráp từng tép sách nhỏ lại, xếp chồng lên nhau rồi may tay lại bằng chỉ cho thật chặt. Người không biết cách gỡ sợi chỉ đóng gáy sách, có thể sẽ mất cả ngày để thực hiện thao tác này. Nhưng vì thuần thục, ông có thể gỡ chỉ của một cuốn sách trong 15 phút.

Ngoài một số nguyên liệu phục vụ cho việc đóng sách như bìa cứng, giấy dán phải mua ở chợ, ông Rạng tự nấu loại hồ dán bằng bột sắn có màu trắng đục sền sệt. Một cuốn sách ông đóng trong khoảng vài ngày đến một tuần, một ngày đóng khoảng 10 cuốn. Trung bình tiền công cho những cuốn sách chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng tùy theo độ dày của sách. Có lần, vì đóng một cuốn sách rất công phu, ông được khách trả 100.000 đồng.

Thứ giá trị nhất trong nhà ông Rạng là đống sách cùng mớ đồ nghề cũ kỹ. Ảnh: Thanh Viên.

Ông cũng có thể đóng sách kiểu phương Tây. Mang ra cuốn sách tiếng Anh tên The Family of Pedro R.Ojida, ông bảo, chỉ sách đóng theo kiểu Tây mới có bìa simili khắc chữ chìm vàng bắt mắt. Nhất là sách có gân nổi trên gáy rất đặc trưng của thời đầu thế kỷ 20. "Cuốn nào dày vài trăm trang mới đóng có gân trên gáy. Gần trăm năm trước dân Tây toàn làm bìa bằng da thật để giữ cho sách bền lâu, bây giờ loại đấy rất hiếm", ông Rạng nói.

Thỉnh thoảng, có cả khách nước ngoài tìm đến ông. Họ mang theo các tập sách tiếng Anh cũ, nặng trịch. "Kiểu sách của Tây đóng cầu kỳ, phải dò xem từng chữ tiếng Anh để khắc lại chính xác trên bìa simili. Lúc quay lại lấy sách họ cứ trầm trồ, liên tục giơ ngón tay trỏ lên kêu 'Doctor Book, Doctor Book' (bác sĩ cho sách), vui lắm", ông nhớ lại.

Suốt 37 năm qua, ông Rạng chứng kiến được giai đoạn lúc thịnh, lúc suy trong tình yêu dành cho sách của mọi người.

Theo ông, từ thời Pháp thuộc đến những năm sau 1975, nghề đóng sách rất thịnh. Do sách xuất bản trong giai đoạn này rất hạn chế nên việc sở hữu, lưu giữ sách cổ rất phổ biến, giúp những người thợ làm sách như ông có đất sống. Người chơi sách cũng thuộc đủ mọi thành phần, từ giới trí thức, công chức, văn sĩ đến người lao động. Nhưng họ có chung tình yêu dành cho việc đọc sách. Với họ, đọc sách không chỉ đơn thuần là thu nạp kiến thức mà còn là thú sưu tầm. Các cuốn sách được xếp trong tủ hay kệ, qua đó phản ánh được cách giữ gìn công phu của gia chủ. Và thường thì, tất cả sách trước khi cho lên trên kệ, tủ đều phải qua tay người đóng sách.

"Ngày xưa công đóng sách bằng nửa hoặc gần bằng giá cả một cuốn sách, mỗi ngày đều có sách để làm, có công ăn việc làm ổn định. Có những đợt nhà in khoán cho tôi làm 1000 cuốn từ điển, phải đem về chia cho bà con trong xóm làm phụ. Con xóm nhỏ ngày đó sáng đèn thâu đêm", ánh mắt ông Rạng lấp lánh vui khi nhớ lại thời hưng thịnh.

Hiện tại, người chơi sách cũ thưa dần. Dần dà, chỉ còn ít người quan tâm đến sách xưa, trừ những người lớn tuổi còn hoài niệm với kỷ niệm hoặc người chuyên sưu tầm sách cổ. Vì thế, so với ngày trước, nghề đóng sách hiện nay cũng bị quên lãng. Nếu ngày trước ông Rạng làm luôn tay không hết việc, thì giờ, thỉnh thoảng mới có người yêu sách tìm đến ông. Công việc không nhiều nên ông cũng chỉ đóng sách vào buổi sáng, đến chiều là có thể rảnh rỗi cà phê giải khuây. Giờ ông bám nghề cốt tìm thú vui cho tuổi già khỏi cô độc, kiếm đồng ra đồng vào. "Hôm nào không có khách làm thì đói", ông cười buồn.

Với ông Rạng, nghề đóng sách không chỉ mang đến cần câu cơm mà còn là cơ hội để ông có những người bạn tâm giao, cùng chia sẻ niềm yêu với sách.

Luật sư Tuấn, ngụ quận 10, TP HCM - một trong những khách "ruột" của ông Rạng nhiều năm nay - cho biết: "Tôi chỉ yên tâm giao sách cho ông Rạng đóng. Nhờ vậy mà, bộ sưu tập sách cũ của tôi mới giữ được như mới bất chấp thời gian".

Nguồn: Thanh Viên - Vnexpress.vn.

Thanh Viên - Vnexpress.vn.

Thanh Viên - Vnexpress.vn.